Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

“Ngoại ngữ” mang đến sự cool ngầu, có vẻ tây tây và tạo được sự nổi bật nhất định cho người mặc giữa đám đông
📌 Tiếp nối series Công thức Local Brand với những tính từ #Boring #Lazy, một vấn đề nổi cộm khác được nhắc đến trong lần này đó là “người Việt và sanh ngữ”
Song hành cũng những chiếc graphic tee được bán với giá 400 - 500 nghìn, là những chiếc áo in hàng tá câu slogan, quote, hay một đoạn văn “ngoại” nào đó mà bạn thậm chí còn chẳng hiểu nổi nghĩa.
“Ngoại ngữ” mang đến sự cool ngầu, có vẻ tây tây và tạo được sự nổi bật nhất định cho người mặc giữa đám đông. Chính những nhu cầu cơ bản đó, khi được chuyển hoá lên thành sản phẩm để mặc thì công năng của nó lại như được phát huy 3000%. (Công thức: “Ngoại ngữ” + “Tee”)
Chính vì thế nên nhu cầu cho dòng sản phẩm này thì không phải bàn cãi - cực kỳ dồi dào mà khách hàng lại còn rất dễ tính, in gì cũng được miễn là “ngoại ngữ”.
📌 Giữa một thị trường với hàng loạt tay chơi “ngoại ngữ”, thì vẫn có một cái tên Việt, sống ở nước ngoài nhưng lại nỗ lực tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt - Tân Nguyễn với thương hiệu “Sua - vờ - ni”
Tạm chưa bàn đến sản phẩm cũng như chất lượng, nhưng tinh thần duy trì và tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt thông qua những chiếc tee, hoodie,…là rất đáng trân trọng
Có thể kể đến một số câu nói, đoạn văn 100% tiếng Việt được sử dụng để in lên áo, nón, bình nước…như:
+ Đấu tranh hoà binh
+ Trịnh Công Sơn: Ta là ai, là ai. Ba trăm năm trước tôi là ai
+ (Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) Cát Bụi: hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
+ Bảo vệ ông bà - Bảo vệ cộng đồng
Để hiểu rõ hơn về Tân Nguyễn, mời mọi người hãy cùng đọc bài phân tích dưới đây của blogger Trí Minh Lê
….
TAN-NGUYEN: SỰ TỬ TẾ VỚI TIẾNG VIỆT, VỚI NGƯỜI VIỆT.

200093411_2887186364863313_4170316124834329572_n
"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" . Kho tàng về chữ cái và từ vựng Việt Nam vô cùng phong phú - từ đó tạo ra hệ sinh thái cực kì đa dạng về ngôn từ, văn phong, văn nói, đối thoại giữa người Việt và người Việt với nhau. Một từ có thể có đa nghĩa - phụ thuộc vào việc sử dụng trong ngữ cảnh nào, trong trường hợp nào và với giọng điệu như thế nào. Từ là một chuyện, do đặc thù dấu sắc - dấu huyền - dấu ngã - dấu hỏi - dấu nặng khiến cách phát âm Tiếng Việt dù chỉ lệch đi một chút cũng có thể gây hiểu lầm, một tầng nghĩa khác. Có thể nói Tiếng Việt là một trong những tài sản giàu có và đặc thù nhất của quê hướng chúng ta - Việt Nam.
Hẳn ai cũng nhận ra một thực trạng đáng buồn, ở trong giới thời trang đường phố nói riêng và thời trang chính quy nói chung. Tiếng Việt đang bị "Ghẻ lạnh" bởi chính những đứa con Việt mình. Bạn có thể liệt kê bao nhiêu thương hiệu Việt (thời trang đường phố nhé) đang sử dụng tên là Tiếng Việt hay truyền tải sự giàu của Tiếng Việt lên các sản phẩm mà mình tạo ra? Bao nhiêu nào, Bao nhiêu hả các bạn. Có - nhưng vô cùng ít, chắc đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng mình không trách các bạn chủ thương hiệu vì đây là hơi thở của đại chúng, của xu hướng - của nhu cầu thị trường. Thị trường chính của các thương hiệu thời trang đường phố là những người trẻ, những người thuộc thế hệ "Sinh sau năm 1996". Thị trường trẻ đang được ảnh hưởng bởi những thứ văn hóa du nhập, bởi những điều xuất phát không ở Việt Nam. Họ yêu thích những câu nói nước ngoài, những cái tên nước ngoài, những câu văn nước ngoài và nhiều khi họ cũng chẳng hiểu nghĩa nữa. Có những câu từ dịch ra Tiếng Việt vô cùng ngớ ngẩn, nhưng vì là ngoại ngữ nên cũng được một số thương hiệu thời trang Việt in lên áo và bán vô cùng chạy.
Vì lẽ đó, "Bụt chùa nhà thì không thiêng" nên để kinh doanh tốt và đánh trúng tâm lý sính ngoại của đa số người Việt. Các thương hiệu thời trang đường phố phải "bắt buộc" sử dụng các tên ngoại ngữ, các kiểu thiết kế sử dụng ngôn ngữ nước ngoài lên sản phẩm của mình. Âu cũng là một điều dễ hiểu.
(Và mình cũng phải thú nhận rằng - mình cũng là một người hay sử dụng từ ngữ nước ngoài chêm vào bài viết. Đó là lỗi của mình, xin lỗi Tiếng Việt - xin lỗi bạn đọc).
Thế nên hôm nay mình mới có bài viết để nói về một người, về một sự tử tế với Tiếng việt cùng với thương hiệu của anh.
Đó là Tân Nguyễn. Nhiều bạn sẽ biết nhóm "Thời trang đường phố Việt Nam" thì một trong những người sáng lập và quản trị đầu tiên đó là anh Tân. Hài hước thay, khi mà nước nhà đang tối đa hóa sử dụng và ưu tiên các câu từ nước ngoài thì một người con xa xứ, một người con xa quê hương - lại đang trong hành trình bảo tồn và gìn giữ nét đẹp của Tiếng Việt.

198114617_2887186404863309_7183420104450084356_n

Tân Nguyễn - với thương hiệu thời trang đường phố của mình tên là "Sua - Vờ - Ni" (Quà lưu niệm). Có thể được xem là một thương hiệu nước ngoài vì quá trình sản xuất và kinh doanh chủ yếu là tại Mỹ, nhưng các bộ sưu tập hay ấn phẩm từ "Sua-Vờ-Ni" đều mang đậm dấu ấn của Tiếng Việt. Có lẽ khi chúng ta bôn ba tới những đất nước khác, những văn hóa khác thì sự yêu thương, sự gợi nhớ với quê hương luôn luôn hiện diện trong mỗi con người. Và thế là, Tiếng Việt là thứ mà mỗi con người có thể minh chứng rằng "Tôi là người Việt Nam, máu đỏ và da vàng".
Thời trang của "Sua-Vờ-Ni" đơn giản, không đặc sắc và tinh hoa như những thương hiệu khác nếu các bạn so sánh. Chúng đơn giản, dễ mặc, dễ ứng dụng trong mọi công việc hàng ngày. Nhưng cái sự "Tử tế với tiếng Việt" của anh Tân Nguyễn là một điều đáng ghi nhận.
Với các sản phẩm đơn giản như vậy thì yếu tố chất lượng (hình in, vải) sẽ được lưu tâm nhiều hơn. Mình chưa sử dụng "Sua-Vờ-Ni" lần nào nên sẽ không công tâm để nói tới vấn đề này mà mình sẽ đề cập tới "Thông điệp". Đối với những người làm thời trang thì mỗi tấc áo, mỗi tấc quần là một "Mảnh giấy" để họ viết lên thông điệp của mình.

Và thông điệp của "Sua-Vờ-Ni" là..?
Đó là giá trị của những văn hóa cốt lõi của người Việt trong quá trình hàng trăm năm, hàng ngàn năm bền vững. Đó là "Bảo vệ ông bà - Bảo vệ cộng đồng". Người Việt vốn dĩ mang đậm tình yêu thương với gia đình, luôn nhớ tới cội nguồn. Những bữa cơm ấm cúng, những ngày Tết cả gia đình quây quần - trẻ nhỏ hỏi thăm Ông bà, yêu thương Ông Bà và bố mẹ sẽ báo hiếu công ơn dưỡng dục của Ông Bà. Đó là văn hóa.
Đó là những tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng, những nhà thơ - những nhạc sĩ đã đi vào tâm trí của bao nhiêu thanh thiếu niên Việt. Từ chương trình học sách giáo khoa đến các bản ra-đi-o phát thanh hằng ngày, họ - như một người đưa tin cần mẫn, miệt mài và bay bổng - đã đưa Tiếng Việt muôn xa, đưa Tiếng Việt được nói, được hát bởi những người con Máu đỏ da vàng.
Vốn là một người đã có gia đình và hiện tại đang vô cùng hạnh phúc với em bé Biển, anh Tân hẳn biết rất rõ giá trị của người phụ nữ ở thời đại mới cũng như quyền trẻ em - được yêu thương, được nâng niu và che chở. Đó có lẽ cũng là lí do mà tại sao chúng ta có những chiếc áo in hình "Phụ nữ - Tương Lai" "Bảo vệ thiếu nhi". "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sỏi đá thì cũng thành cơm". Những câu nói cổ động về sự chăm chỉ của người Việt chắc giờ ít ai sử dụng nhỉ, thay vào đó là những cỗ máy bấm bàn phím không cần suy nghĩ - không có trách nhiệm - độc hại và không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Chao ôi, Tiếng Việt "Đẹp" chảy máu thế sao.

198951041_2887186194863330_209633631237671017_n
Thế nên, "Sua - Vờ - Ni" đúng như tên gọi của mình - là một món quà lưu niệm để lưu trữ một khoảng khắc, một khoảng không gian, một kỉ niệm nào đó để khi chúng ta sở hữu hay tặng quà cho ai. Người ta sẽ đọc "Tiếng Việt" lên trong sự thích thú và đầy tự hào về gốc gác dân tộc.
Vì lẽ đó, mình mới gọi tiêu đề là "Tân Nguyễn - Sự tử tế của Tiếng Việt" như một ví dụ điển hình về công việc mà anh đang làm, về lưu trữ - tiếp bước cái kho tàng giàu có bậc nhất của Việt Nam. Đó là Tiếng Việt.
(Để tránh gây hiểu lầm cho các bạn, thì thương hiệu này của anh Tân Nguyễn hiện tại đang sản xuất ở nước ngoài nên giá thành về sản xuất, vải vóc sẽ cao hơn ở Việt Nam rất nhiều. Khách hàng của Sua-Vờ -Ni cũng đa phần là những người Việt đang sinh sống tại đó nên các bạn đừng tranh cãi về giá bán nhé. Hãy công nhận điểm sáng nhất ở đấy - đó là Tiếng Việt)
Mình xin nhắc lại về tâm nguyện của Hồ Chủ Tịch - một người có khả năng đọc hiểu rất nhiều thứ tiếng rằng:
"Chúng ta phải hiểu, yêu Tiếng Việt là yêu nước. Phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"
Và bài viết này không dùng bất cứ tiếng ngoại nào.

Credit: Trí Minh Lê
Tin tức liên quan
Làm sao để có được một thương hiệu giá trị?
Lụa, Chất liệu của thời gian
VÀNG TƯƠI "MỚI LẠ" CHO TIFFANY&CO.
SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG NGÀNH BÁN LẺ