Những lưu ý khi ứng dụng văn hoá vào thời trang

Văn hóa phải là sống, nó phải thẩm thấu đến từng sinh hoạt của con người thì nó mới có thể tồn tại và phát triển.
Những lưu ý khi ứng dụng văn hoá vào thời trang

Văn hóa của người Việt, cũng như bao nền văn hóa địa phương khác, đang bị đe dọa bởi hiện tượng quốc tế hóa. Có những động lực rất mạnh từ văn hóa quốc tế đang lấn áp nội lực của văn hóa Việt Nam và ước muốn hòa nhập vào cộng đồng quốc tế cũng phần nào giảm sự mặn mà của người trong nước đối với văn hóa của chính mình. Văn hóa phải là sống, nó phải thẩm thấu đến từng sinh hoạt của con người thì nó mới có thể tồn tại và phát triển, có vậy ta mới muốn bảo vệ và phát triển nó từ bên trong, từ những suy nghĩ, cảm giác và bản năng.
Với những người làm nghệ thuật thì đó chính là đưa nó vào tác phẩm của mình và truyền tải nó đến cộng đồng. Tuy nhiên, sự đa dạng trong bản sắc, những đặc thù vô cùng riêng của các dân tộc, nguồn thông tin còn hạn chế chính là những điều đã gây khó khăn cho những NTK, những nhà làm nghệ thuật, nghệ sĩ khi ứng dụng văn hoá vào tác phẩm và cũng là 3 điều cần lưu tâm để tinh thần thời trang văn hoá được truyền tải đúng

🔖1. Sự đa dạng
271135832_3030829987165616_8092904980694473507_n
Image Credit: Kilomet 109
Xét trên khía cạnh trang phục, mỗi dân tộc có một đặc điểm riêng biệt trong màu sắc, hoạ tiết, các loại phụ kiện. Dân tộc H'Mông vốn có trang phục truyền thống hết sức cầu kỳ và sặc sỡ, thường được làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng những hoa văn đa dạng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người H’Mông thường sẽ bao gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và cả mũ đội đầu. Nữ phục của dân tộc Mường thì lại được thiết kế khá đơn giản với áo pắn và váy dài. Đầu váy và cạp váy đều sẽ được dệt thổ cẩm cầu kì, hoa văn trên thổ cẩm là những hình cách điệu từ hoa dẻ, hoa hồi, hạt gấc, quả trám.

🔖2. Sự tương đồng
244507988_3030830077165607_1197087116824405159_n
Đây là điều dễ làm cho người nghiên cứu bị nhầm lẫn nếu không đào sâu. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng những hoạ tiết được sử dụng ở các dân tộc có khá nhiều điểm chung.
Mô típ hoa văn của các dân tộc nhìn chung đều có phần phức tạp và tỉ mỉ, màu sắc sử dụng phổ biến và chủ yếu là đỏ, vàng, trắng, xanh nổi bật trên nền vải đen để hạ bớt độ chói của các màu nguyên. Màu đen còn là chất vữa gắn các mảng nhỏ lại, bù đắp cho hình họa đã vỡ vụn, nối không màu với mọi màu, nâng màu sắc từ tẻ nhạt lên trang nhã. Các hoa văn được cách điệu hóa dưới dạng hình học, phần lớn là: ô chéo, ngôi sao tám cánh, móc câu, chữ thập, hồi văn, hình vuông thủng, đường thẳng, hình thoi, đường zích zắc...
Cho dễn những kỹ thuật thêu, kỹ thuật dệt, cũng có sự giống nhau. Kỹ thuật thêu phổ biến ở các dân tộc Dao, Mông, Thái, La Chí còn nổi bật cho nghệ thuật dệt vải phải kể đến dân tộc Mường, Thái.

🔖3. Sự hạn chế về thông tin
271266058_3030830000498948_991478524690298773_n
Image Credit: Ede Yarns

Những văn hoá lâu đời thì việc tìm kiếm thông tin không phải câu chuyện dễ. Khi thực hiện bộ emoji cho 54 dân tộc, Anh Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ mình gặp phải nhiều khó khăn bởi các thông tin tìm được có nhiều sai lệch (thường gặp nhất là hình ảnh của dân tộc này nhưng thông tin và tên lại thuộc về dân tộc khác). “Nhưng những thứ khiến anh lo ngại và thất vọng nhất lại là những trang phục “cosplay” dân tộc thiểu số do người thành phố thực hiện - thông tin hoàn toàn sai và dễ gây phản cảm”. Chẳng hạn, có lần anh vào một trang báo mạng xem nội dung miêu tả về dân tộc Chứt, nhưng toàn bộ hình ảnh trong đó hóa ra lại là người Dao.

Tất cả những dự án của các cá nhân, tổ chức để duy trì và phát triển văn hoá đều rất đáng hoan nghênh, nhưng do thông tin và những chủ đề xoay quanh văn hoá bị thiếu tính chính xác, cũng như thiếu hụt và tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm lại cội nguồn cho nên cũng tạo một rào cản nhất định đối với những ai muốn ứng dụng yếu tố văn hoá vào trong tác phẩm. Đội ngũ Ede Yarns (nhóm nghiên cứu về thổ cẩm nguyên bản của người Ê đê tại địa phương Đak Lak) đã mất 1 năm để khôi phục được 2 tấm vải thổ cẩm sau 40 năm thất truyền. Đi đến những vùng rừng núi để tìm nguyên liệu từ thiên nhiên, đi tìm địa điểm thích hợp để gieo trồng những hạt bông cổ, thậm chí là khôi phục được cả công cụ tách hạt để chuẩn bị nguyên vật liệu cần thiết cho việc khôi phục tấm thổ cẩm.

3 yếu tổ kể trên tạo nên sự đa dạng để khai thác vào thiết kế, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi mức độ chuyên sâu trong nghiên cứu để đảm bảo sự chính xác. Việc ứng dụng văn hoá và xem nó là một chất liệu sáng tạo để đưa vào nghệ thuật để tôn vinh, lưu giữ, thể hiện sự tôn trọng và thường nhật nó là điều rất đáng hoan nghênh. Đồng thời những người làm nghệ thuật cũng nên có trách nhiệm với tác phẩm của bản thân, của văn hoá mà bạn được truyền cảm hứng, tìm hiểu thật đúng, thật sâu để nét đẹp được truyền tải một cách nguyên bản nhất.
Tin tức liên quan
''Thích'' vs ''Làm'' thời trang
Chất lượng vs Thiết kế
Đồ xấu vs Đồ đẹp
Lịch sử Thời trang và Lịch sử Trang phục