Sự khác biệt giữa SHOP THỜI TRANG và LOCAL BRAND ?
Có bao giờ bạn tự hỏi mô hình kinh doanh của bạn hiện nay đang là gì? Shop thời trang hay local brand?
Ranh giới giữa SHOP và LOCAL BRAND là gì ?
Phần lớn các bạn học viên muốn học thời trang để thỏa mãn niềm đam mê và sự yêu thích thời trang của mình, hoặc xa hơn là mong muốn mở ra một "thương hiệu" cho chính bản thân. Nhưng các bạn đang nhìn mọi thứ quá dễ dàng theo cách lấy mẫu (từ Taobao, Quảng Châu, các kho hình ảnh trên mạng) rồi tạo kiểu, sản xuất hay thậm chí là “đánh hàng” sẵn có từ nguồn hàng dồi dào của các nước lân cận rồi bán. Tất cả đều được diễn ra tương đối thuận lợi với sự hỗ trợ từ các xưởng may số lượng nhỏ, sự phong phú của thị trường với các loại sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, và đặc biệt là tâm lý dễ bị thu hút với sự thành công của những người đi trước. Điều này vô tình tạo ra sự nhầm lẫn cho người kinh doanh thời trang rằng cái họ làm là đang tạo lập một thương hiệu/ một local brand, nhưng có thật sự là như thế ?
Có bao giờ bạn tự hỏi mô hình kinh doanh của bạn hiện nay đang là gì? Shop thời trang hay local brand?
Ranh giới giữa SHOP và LOCAL BRAND là gì ?


Không khó để tạo ra được một bộ nhận diện thương hiệu, nhưng để xây dựng và phát triển một thương hiệu là một quá trình đòi hỏi sự nghiên cứu về thị trường, phân tích hành vi khách hàng, tiềm năng thị trường, nội lực của doanh nghiệp và một lộ trình phát triển thương hiệu rõ ràng. Một thương hiệu là một chủ thể hữu hình hoặc vô hình bao gồm các sản phẩm/dịch vụ được sản xuất, cung cấp bởi cá nhân/tổ chức. Đối với doanh nghiệp, thương hiệu có vai trò thu hút người dùng về mặt sản phẩm / dịch vụ thông qua việc khẳng định một số yếu tố như chất lượng, xuất xứ.
+ Shop quần áo trong trường hợp này thường được gọi là “con buôn”. Bán và phân phối lại sản phẩm của đa dạng nguồn hàng được sản xuất bởi nhiều bên khác nhau, copy - paste những sản phẩm đã có.
+ Local brand sẽ chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ lúc lên ý tưởng thiết kế, sản xuất và phân phối và các hoạt động đều được thực hiện để đảm bảo định vị thương hiệu đã xây dựng


Thương hiệu là định nghĩa tồn tại trong mắt người tiêu dùng, những nhãn hiệu mới là điều được pháp luật bảo hộ. Một thương hiệu phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cục Sở hữu trí tuệ, đăng ký doanh nghiệp với Bộ Công thương, đăng ký địa điểm kinh doanh (nếu có) với Sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh/TP để đảm bảo được các quyền lợi và thực thi đúng nghĩa vụ của một tổ chức kinh doanh. Còn nếu không thỏa các điều kiện trên thì đó chỉ là hình thức kinh doanh độc lập, mang tính tự phát.


Phát triển sản phẩm thời trang liên quan đến việc thiết kế, chuẩn bị sản xuất quần áo và các sản phẩm thời trang, bằng cách duyệt qua các mẫu thử để lựa chọn đâu là sản phẩm được tung ra thị trường . Đối với cả shop quần áo và local brand, những trở ngại lớn nhất có thể kể đến chính là là việc tìm kiếm các đối tác phù hợp và giảm chi phí phát triển sản phẩm.
+ Shop quần áo, về mặt định hình phong cách cụ thể có thể có hoặc không. Đa số các shop sẽ nhập hàng hoặc sản xuất theo hình thức copy - paste theo xu hướng thị trường.Vì thế các shop quần áo ít hoặc không có những đặc tính nhất định để gợi nhớ về sản phẩm.
+ Local brand luôn đảm bảo yếu tố sản phẩm tự thiết kế, đôi khi sản xuất với số lượng giới hạn, và việc phát triển danh mục sản phẩm luôn đảm bảo các yếu tố về định vị, đặc tính nhận diện để củng cố sức mạnh chứ không làm suy yếu hay gây loãng thương hiệu. Ví dụ với thương hiệu Elpis Clothing - mang trong mình định vị là sự nữ tính, lãng mạn, tinh tế và sang trọng. Cho nên hầu hết trong các thiết kế của các bộ sưu tập đều sử dụng chất liệu đồng nhất xuyên suốt các mùa như ren, lụa, linen và các form như corset, đầm xòe, áo blouse, quần cạp cao.
Ngoài ra, phát triển sản phẩm là quá trình thiết kế, lập kế hoạch và phát triển các sản phẩm có thể bán được cho người tiêu dùng mục tiêu của thương hiệu của bạn. Đó là một phần cần thiết của một quy trình sản xuất tổng thể và nếu thực hiện đúng ngay từ đầu với kế hoạch phù hợp sẽ giúp bạn thành công trong tương lai.


+ Shop quần áo: chủ yếu bán ở các kênh online như các trang mạng xã hội (Facebook/Instagram), các kênh thương mại điện tử (Shopee/Lazada). Hoặc nếu như có mở cửa hàng offline thì chỉ mang tính trưng bày hiện diện sản phẩm chứ không mang ý nghĩa trải nghiệm (Shopping experience ) cho người dùng.
+ Local brand: nếu với bước đệm ban đầu bạn đã xây dựng được thương hiệu thì việc phát triển thương hiệu thành chuỗi các cửa hàng trên cả nước, mỗi cửa hàng đều mang tính trải nghiệm độc đáo là điều có thể đạt được. Ngoài việc bán trong nước, nhà kinh doanh còn có thể đẩy mạnh thương hiệu ra nước ngoài thông qua các hình thức phân phối khác nhau.
Việc có được nền tảng và hiểu nguyên lý vận hành của thương hiệu (business model) thì khi sau 2-3 năm hay thậm chí 5 năm 10 năm, bạn có thể lên được kế hoạch phân phối hợp lý cho thương hiệu của mình.


+ Shop quần áo: bộ phận sales và marketing thường là một và chỉ chú trọng vào các kênh digital để “chạy quảng cáo ra đơn”. Tập trung nhiều đến những thủ thuật như làm thế nào để tiếp cận (reach) được nhiều khách hàng khi chạy quảng cáo, giảm chi phí cho một lượt tin nhắn khách hàng đổ về, làm thế nào để ra được đơn hàng.
Các shop quần áo, sẽ không tập trung quá nhiều vào việc xây dựng hình ảnh hay định vị cho thương hiệu, một vài shop có khả năng thì sẽ đầu tư cho bộ nhận diện như (logo, packaging, concept khi chụp ảnh), chăm sóc khách hàng, khuyến mãi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Branding/Marketing một cách bài bản thì chưa tốt, dẫn đến shop quần áo rất khó để trở thành một local brand vì thiếu đi sự đặc trưng, những thuộc tính gắn liền và tính hệ thống khi triển khai marketing.
+ Local brand có cái nhìn rõ ràng hơn về thế nào là xây dựng thương hiệu, cách thực hiện các chiến dịch quảng bá để tạo sức hút cũng như đặc tính riêng cho thương hiệu. Điển hình có thể thấy là các local brand Việt Nam đang nắm bắt tâm lý Gen Z rất tốt và khai thác tốt hiệu ứng FOMO (Fear of missing out) để tạo ra một thị trường bán lại (resell) vô cùng sôi nổi. Local brand sẽ thực hiện những chiến dịch Marketing bài bản hơn, có sự phân tích nhất định đến hành vi và nhu cầu của khách hàng, cũng như cách gắn liền thương hiệu với các thuộc tính, đặc điểm nhận dạng nhất định. Họ xác định rất rõ sự khác biệt của thương hiệu, cách để truyền tải điểm độc nhất đó, cũng như làm thế nào để xây dựng tính cạnh tranh dựa trên các nguồn lực hiện có để thực hiện những chiến dịch, sản xuất sản phẩm góp phần xây dựng sức mạnh cho thương hiệu.
Ngoài ra, việc Marketing không chỉ dừng lại ở việc làm chiến dịch quảng bá, chạy ads trên các trang mạng xã hội mà còn câu chuyện sau đó như phân tích các số liệu thu thập được, số lượng người tiếp cận, lý do cho hành vi đó của khách hàng,..v..v đọc và hiểu số liệu để có thể đưa ra các chiến lược tiếp theo phù hợp với từng giai đoạn kinh tế của thương hiệu.


+ Shop quần áo: Những sản phẩm do các shop quần áo nhập về có thể bán được trong 3 tháng, 6 tháng tiếp theo vậy còn bài toán cho lộ trình phát triển trong 5-10-15-20 năm tới thì sao ? Một trong những lý do khiến sự phát triển bị chững lại, khó có thể mở rộng là do không biết bắt đầu từ đâu vì ngay từ đầu tính quy trình và bài bản bị thiếu. Quy trình ở đây không nhất thiết phải là một bộ máy nhân sự cồng kềnh hay những gì cao siêu, đó có thể chỉ đơn giản là làm việc có kế hoạch, nhập, lưu trữ và truy xuất dữ liệu có hệ thống. Những dữ liệu đó sau này sẽ phục vụ cho việc ra quyết định nên đầu tư mở rộng bao nhiêu và làm thế nào.
Lưu trữ thông tin khách hàng cũng là một trong những quá trình đòi hỏi tính chuyên môn. Nó không đơn thuần là lưu thông tin cá nhân, sản phẩm đã mua, lên một file excel mà còn là thông tin về những băn khoăn khi mua hàng, tính cách, đặc điểm hành vi cho đến cách thức lưu trữ dữ liệu để khi cần có thể truy xuất dễ dàng cũng là một điều cần lưu ý.
+ Local brand: đa số sẽ có quy trình vận hành cũng như hệ thống bài bản hơn từ mô hình kinh doanh, tài chính, nhân sự, quản lý. Điều này rất dễ hiểu vì nếu như một local brand nào đó có hệ thống 2 cửa hàng hay 5 cửa hàng thì việc xây dựng một hệ thống về ERP, CRM để quản lý sản xuất, quản lý đơn hàng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, trong các mùa, các BST thì việc sản xuất sản phẩm đều được lên kế hoạch chi tiết thông qua phân tích về xu hướng (màu sắc, chất liệu), khách hàng, cho đến khâu thiết kế, lên rập, chọn vải, làm mẫu, fitting, thời gian sản xuất, số lượng. Tất cả được quyết định dựa trên những dữ liệu, và phân tích dưới góc nhìn kinh doanh trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Vậy bạn muốn mở shop thời trang, hay thương hiệu thời trang. Không có sự đúng sai, vì cả 2 đều là mô hình kinh doanh, giúp mang về nguồn thu cho nhà đầu tư, người kinh doanh. Không quan trọng bạn muốn mở thương hiệu hay mở shop, cái quan trọng nhất là kiến thức nền tảng, học bài bản và xây dựng những mối quan hệ cộng sinh với các đối tác trong hệ sinh thái ngành.
Đó là cũng sự khác biệt tại VFA trong cách thức giảng dạy và nội dung bài giảng. VFA không dạy những kiến thức bạn có thể ‘’Google’’, lượm lặt đâu đó ở các hội nhóm hay xây dựng thương hiệu theo cách thị trường ngoài kia đang hướng bạn đến. VFA dạy bản chất, cốt lõi để bạn có thể tự tin ứng dụng nó cho mô hình của mình và thúc đẩy nó phát triển.