“THỜI TRANG VÀ METAVERSE, XU HƯỚNG HAY BONG BÓNG ?”

Từ khoá Metaverse có lẽ không còn quá xa lạ với chúng ta trong những tháng gần đây. Metaverse là một vấn đề được bàn tán sôi nổi khi Facebook đã quyết định đổi tên công ty mẹ thành Meta.
Từ khoá Metaverse có lẽ không còn quá xa lạ với chúng ta trong những tháng gần đây. Metaverse là một vấn đề được bàn tán sôi nổi khi Facebook đã quyết định đổi tên công ty mẹ thành Meta. Mục đích để theo đuổi ước muốn xây dựng thế giới Metaverse, Meta đã bỏ ra chục tỷ đô để theo đuổi dự án này và điều đó không khiến cho cả thế giới phải đặt ra câu hỏi rằng: Liệu đây có phải là xu hướng của tương lai?

Thoi Trang va Metaverse

Thật ra thuật ngữ Metaverse đã xuất hiện từ lâu do Neal Stephenson đề cập từ năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Có thể hiểu một cách đơn giản rằng Metaverse chính là một vũ trụ nơi con người có thể tương tác với nhau qua nền tảng kỹ thuật số. Vũ trụ của Meta sẽ bao gồm các công nghệ chính như VR (Virtual Reality), AR (Augmented Reality) đồ họa đa chiều, AI, sức mạnh tính toán, phần mềm và phần cứng. Ý tưởng về một vũ trụ Metaverse phần nào đó đã được thể hiện trên màn bạc thông qua các tác phẩm nổi tiếng như The Matrix hay Ready Player One. Những tác phẩm này đã cho chúng ta thấy một vũ trụ tương lai nơi con người chỉ việc đeo một chiếc kính vào là có thể nhảy đến một vũ trụ ngoài sức tưởng tượng. Ngoài ra nhân tố Covid-19 đã chính là một chất xúc tác để dẫn con người đến với ý tưởng của tương lai nơi chúng ta có thể gặp gỡ và tương tác với nhau trong khi vẫn đang ngồi ở nhà. Chính vì tiềm năng to lớn này mà trong các ngành đã có sự chuyển mình rõ rệt. Cụ thể trong làng game hiện nay đã có rất nhiều dự án chuyển mình sang lĩnh vực này. Những game có cơ chế như Play to Earn có nghĩa là người chơi sẽ đầu tư một khoản tiền để chơi game và trong quá trình chơi sẽ nhận được các token, và token đó sẽ có giá trị bằng tiền thật từ đó người chơi có thể đổi ra. Một trong những ví dụ nổi bật của cơ chế chơi game này không đi đâu xa đó chính là tựa game Axie Infinity của Việt Nam đã làm mưa làm gió trên lĩnh vực blockchain. Sắp tới đây có thể sẽ đến với cơ chế Walk to Earn … chúng ta hãy đợi xem. Một trong sự kiện nổi bật nhất có lẽ là làng thời trang cũng rục rịch tham gia vào vũ trụ đầy tiềm năng này.

Đúng vậy, không chỉ những ông lớn trong ngày công nghệ quan tâm tới Metaverse mà còn cả những ông lớn trong ngành thời trang cũng có một mục tiêu tương tự. Mới đây một sự kiện gọi là “tuần lễ thời trang Metaverse” đã gây được sự chú ý tới những người tò mò về Metaverse nói chung và ngành thời trang nói riêng. Có thể nói đây là một sự chuyển mình đột phá kết hợp giữa thời trang và blockchain. Cụ thể tại sự kiện này hơn 60 thương hiệu thời trang lớn và nhỏ sẽ trình diễn các sản phẩm độc quyền nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng dưới định dạng kỹ thuật số của họ hoặc một số sẽ tạo ra các NFT ( Non-fungible token ) mục đích để nghiên cứu và phát triển trước khi thâm nhập vào thị trường. Các thương hiệu sẽ trình diễn sản phẩm của mình dựa trên các lô đất của một nền móng nào đó chẳng hạn như là Decentraland (MANA) và MANA được tạo nên dựa trên blockchain. Điều này sẽ tạo nên một sự mới mẻ cho người tiêu dùng, đem lại khả năng mua sắm đa dạng.

Chưa dừng lại ở đó đây có lẽ sẽ là một nơi mà các thương hiệu thời trang nổi tiếng không muốn mình bị thất thế với bất kỳ đối thủ nào. Vì họ biết rằng khi một thời đại mới bắt đầu người đi đầu có thể chiếm được lợi thế lớn. Chính vì vậy mà các thương hiệu như NIKE, ADIDAS, Dolce & Gabbana … đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một tuơng lai về kỹ thuật số, nơi mà con người có thể tương tác không giới hạn. Bên cạnh đó việc đưa các sản phẩm lên kỹ thuật số sẽ phần nào giải quyết bài toán về hàng tồn kho. Một trong những vẫn đề nhức nhối đối với một số thương hiệu. Ngoài ra, việc lựa chọn đồ cũng như thể hiện tính độc quyền của sản phẩm cũng trở nên đa dạng hơn.


Nói đi cũng phải nói lại, sự háo hức về một thế giới đầy tiềm năng là vô cùng lớn. Nhưng cũng có một số người lại hoài nghi và thận trọng về vấn đề này khi mọi thứ còn quá sớm để nói trước và có một số vấn đề cần để tâm. Như chúng ta biết các phương tiện truyền thông, social network chính là nơi mà chúng ta thể hiện bản thân cũng như là giải trí. Do đó, các nền tảng này luôn nắm được thông tin người dùng rất chính xác và bắt kịp nhu cầu của khách hàng. Chắc bạn đã trải qua việc bất ngờ khi vừa nói về một vấn đề hay một sản phẩm nào đó thì một lúc sau trên các platform của bạn quảng cáo những thứ bạn vừa nói. Vì thế việc có nhiều người lo lắng về quyền riêng tư và an ninh mạng vũ trụ ảo cũng là một điều dễ hiểu. Một khi những tập đoàn công nghệ nắm giữ những thông tin cá nhân của người dùng mà không có một sự kiểm soát nào đó từ chính phủ thì điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Tổng kết lại, nói chung còn quá sớm để chúng ta có thể khẳng định rằng Metaverse là một tương lai. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ định được sự “hot” của nó đem lại đặc biệt là trong ngành thời trang. Có thể trong tương lai chúng ta có thể thử những bộ đồ mà không cần đến cửa hàng, hay chụp những bức ảnh siêu ngầu với những bộ outfit siêu cháy mà không cần phải mặc chúng. Hay thậm chí là tham dự vào một show diễn thời trang ngay tại nhà mà vẫn có thể tương tác với những người xung quanh. Ai mà biết được, chúng ta hãy chờ đón xem.
Tin tức liên quan
''Thích'' vs ''Làm'' thời trang
Chất lượng vs Thiết kế
Đồ xấu vs Đồ đẹp
Lịch sử Thời trang và Lịch sử Trang phục