VĂN HÓA TẠO NÊN NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG
Đối với những nhà thiết kế, việc đưa các yếu tố văn hóa vào sản phẩm thời trang của mình là điều không thể tuyệt vời hơn, khi vừa tôn vinh di sản văn hóa dân tộc vừa nâng tầm hình ảnh đất nước theo một góc nhìn mới mẻ. Hơn hết, với bề dày lịch sử trải dài 4.000 năm qua nhiều thời kỳ, văn hóa Việt là sự tổng hòa của 54 dân tộc anh em cùng sống trên mảnh đất hình chữ S, với bao sự đa dạng, đặc sắc, trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời cho thời trang.
Ngày nay, các thương hiệu thời trang ứng dụng văn hóa vào sản phẩm đều có những chỗ đứng nhất định trong lòng giới mộ điệu thời trang nước nhà. Thậm chí trên trường quốc tế, không ít nét văn hóa Việt trong từng sản phẩm thời trang đều để lại các ấn tượng đặc biệt đến người thưởng lãm. Có thể kể đến một vài tên tuổi như Thủy Design House – thương hiệu của NTK Thủy Nguyễn, vốn chú trọng khai thác đề tài văn hóa vô cùng đa dạng, sâu sắc, trong từng bộ sưu tập. Chị đã đem hình ảnh của những chú cá chép, gạch bông, tranh Đông Hồ… vào những sáng tạo của mình. Hay Biti’s với các họa tiết thổ cẩm trên giày. Hoặc Fashion 4 Freedom kết hợp với các làng nghề thủ công Việt Nam để tạo nên những thiết kế mới lạ, “cộp mác” dấu ấn văn hóa nhưng lại gần gũi, đặc sắc.
Điều đó cho thấy, văn hóa là điều chưa bao giờ xa vời với bất kỳ người Việt nào. Thậm chí, văn hóa không phải là một thứ cũ kỹ, được cất giữ cẩn thận trong viện bảo tàng hay những câu chuyện xưa tích cũ, mà nay đã trở nên thường nhật, gần gụi hơn khi từng dấu ấn văn hóa của các thời kỳ được ứng dụng rõ nét trong từng vật phẩm sử dụng hàng ngày. Ta thậm chí còn có thể cảm giác như văn hóa đang được sống và thẩm thấu đến từng sinh hoạt, mọi khía cạnh của cuộc sống.
Do đó, nghiên cứu văn hóa không chỉ vừa giúp bảo tồn mà còn hỗ trợ vào sự phát triển để thế hệ hiện tại, lẫn thế hệ tương lai cũng dễ dàng tiếp cận hơn, nhìn ra sự gần gũi của nó trong cuộc sống hàng ngày. Đây không phải là vấn đề của việc “ăn xổi ở thì”, mà là cả một quá trình học hỏi, cải thiện và phát triển.
Tuy nhiên, nếu không thực sự chú tâm để hiểu và nghiên cứu về văn hóa, việc sai một ly có thể đi… cả dặm. Như trường hợp của Biti’s – vốn là một thương hiệu thường đưa các nét yếu tố văn hóa Việt vào sản phẩm của mình, cũng từng bị “lên án” khi cho ra mắt bộ sưu tập giày Blooming Central, được cho là tôn vinh nét đẹp văn hóa miền Trung. Trước đó, bộ sưu tập này còn được giới thiệu là “được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu và tốn nhiều công sức sản xuất”.
Tuy nhiên sau cùng, dòng sản phẩm này bị một sinh viên ngành thiết kế kiến trúc của Đại học Monash, Úc phát hiện chất liệu vải gấm trên giày là hàng Trung Quốc giá rẻ, chỉ từ 40.000 đồng/mét. Chính từ “lời tố” này, rất nhiều chủ đề trên mạng xã hội đã được tạo nên nhằm “bóc phốt” thương hiệu giày đình đám Việt Nam.
Bởi chưa dừng ở đó, nỗ lực truyền tải câu chuyện văn hóa của Biti’s còn vấp phải những chỉ trích khác khi sử dụng một loạt các họa tiết đến từ nhiều nét văn hóa khác nhau, gộp lại trong cùng một tác phẩm. Nhiều người cho biết, đây chẳng khác gì sự “lai tạp về văn hóa”, khiến sản phẩm chỉ nổi bật nhưng thiếu tính tương đồng, quá hỗn loạn, hay nói cách khác là đang “chiếm dụng văn hóa”.
Trước Biti’s, Victoria Secret hay Zara cũng là hai nhà mốt lớn từng bị lên tiếng phản đối về việc “chiếm dụng văn hóa”, khi lấy những nét văn hóa của một cộng đồng khác, biến thành phương thức để kinh doanh, mà thiếu đi sự thấu hiểu, dẫn đến sử dụng không đúng bối cảnh, mục đích.
Như trường hợp của Victoria’s Secret, thương hiệu này đã cho các nàng mẫu như Adriana Lima, Elsa Hosk hay Lais Ribeiro mặc trang phục lót có hình ảnh một con rồng đày long, vốn gắn liền với hình ảnh Á đông và bị lên án dữ dội.
Hay Zara sử dụng họa tiết đặc trưng của cộng đồng Mixteca ở San Juan Colorado cho mẫu đầm midi màu bạc hà. Mẫu váy này tương tự chiếc váy huipil truyền thống của phụ nữ và thợ thủ công địa phương, và điều này khiến họ cảm thấy không được tôn trọng.
Các sự cố trên buộc các nhà thiết kế và thương hiệu xem như là bài học cho riêng mình để cẩn trọng trong việc tiếp cận văn hóa và nỗ lực hơn nữa trong công tác sáng tạo, để đem đến những điều tích cực cho cộng đồng.